Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Gia Lộc

23/4/2023  |  English  |  中文

Tiếp tục giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt về Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương - từ rất lâu đã trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả dân tộc, đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Cội nguồn - xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

        Giỗ Tổ Hùng Vương - từ rất lâu đã trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả dân tộc, đã in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Cội nguồn - xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay, Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

          Người Việt Nam may mắn có chung một đạo, Đạo thờ cúng Ông Bà. Người Việt Nam còn may mắn hơn nữa khi có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, có chung một Đền thờ Tổ để tri ân.

         Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

        Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dẫu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng, nơi ấy chính là Đền Hùng.

      Những ngày này, cả nước hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Tổ tiên người Việt luôn muốn nhắc nhở con cháu: ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương, nề nếp, gia phong, cư xử phép tắc, đạo vua-tôi, góp phần xây dựng gia đình ổn định, xã hội phồn thịnh, phát triển.

       Lời di huấn này không chỉ được nhắc nhở hằng năm thông qua ngày hội giỗ mà còn được khắc ghi trên trống đồng Đông Sơn, trống thiêng của dân tộc, gửi gắm trong biểu tượng mặt trời nằm rạng rỡ giữa trống đồng. 

         Thông qua ngày giỗ Tổ, Tổ tiên ta còn có hoài bão muốn nhắc nhở hậu thế những kế sách giữ nước an dân. Đó là nỗi lo muôn thuở, là tấm lòng bao dung, tha thiết, rộng mở của Chư Tổ còn vang vọng mãi khắp núi sông: "Hãy chôn ta trên núi Cả, để đứng trên núi cao ta còn trông nom bờ cõi cho con cháu". Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim.

        Lễ hội Đền Hùng là lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam và có một đặc thù riêng là: Phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc (Ẩm hà tư nguyên - Uống nước nhớ nguồn). 

      Kháng chiến thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ (7-5-1954), ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của vị đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa xuân 1975: Sau 30 năm gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang sơn thống nhất, quy về một mối vẹn toàn. Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng, đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

           Mấy nghìn năm trông coi và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa. Từ trong ý thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: "Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi".

         Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên.

        Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà bạn bè các nước trên thế giới cũng khâm phục và thừa nhận. "Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam... Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm".

        Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Đinh Dậu năm nay vào ngày làm việc gần cuối tuần, mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ lễ 01 ngày 6/4/2017(đúng ngày thứ năm Giỗ Tổ 10-3); Từ tâm linh của mỗi người, chúng ta bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân, thắp nén hương thơm, dâng bó hoa tươi, biết ơn các đức Vua Hùng đã có công dựng nước, để cho con cháu và các thế hệ người Việt Nam chúng ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay;

        Tri ân giỗ Tổ Hùng Vương, các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người dân huyện Gia Lộc tiếp tục phát huy thành tích, kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, hạn chế, tồn tại, thể hiện sự quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quý I/2017, cùng nhau đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ quý II và cả năm 2017, trọng tâm là: thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị-khóa XII về”Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện nghiêm túc nghị quyết Trung ương 4-khóa XII về”Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; Triển khai và thực hiện có kết quả các đề án, kế hoạch của Huyện ủy về thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV, nhiệm kỳ 2015- 2020; Tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp cơ sở xong trong tháng 5/2017, tiến tới Đại hội TDTT cấp huyện lần thứ VIII vào tháng 9/2017; Lập nhiều thành tích dâng lên chào mừng kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn(7/4/1907-7/4/2017); 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước(30/4/1975-30/4/2017); 128 năm ngày Quốc tế lao động(01/5/1889-01/5/2017); 127 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh(19/5/1890-19/5/2017); 61 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Gia Lộc(22/6/1946-22/6/2017); 70 năm ngày Thương binh, liệt sỹ(27/7/1947-27/7/2017) và các sự kiện chính trị lớn của quê hương, đất nước diễn ra năm 2017.

         Những việc làm thiết thực nêu trên, chính là động lực tinh thần, nét đẹp văn hóa tâm linh, truyền thống hiếu nghĩa, thủy chung của nhân dân Gia Lộc hướng về đất Tổ, hướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 và cầu mong cho mọi điều tốt đẹp đến với quê hương Gia Lộc anh hùng, với đất nước, dân tộc Việt Nam ngày càng phồn thịnh./.    

                                       Minh Giáo