Sáng
16.9, các đồng chí lãnh đạo huyện Gia Lộc đến dâng hương, tưởng nhớ công lao to
lớn của danh tướng Yết Kiêu tại đền Quát.
Dự
lễ dâng hương có đồng chí Đặng Xuân Thưởng-TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND
huyện, đồng chí Đỗ Văn Tiến-Phó Bí thư TT Huyện ủy, đồng chí Vũ Văn Cấp-Phó Bí
thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy,
thường trực HĐND huyện, lãnh đạo UBND huyện, đại diện lãnh đạo một số phòng,
ban ngành đoàn thể huyện, đại diện lãnh đạo xã Yết Kiêu, một số xã trong huyện
và bà con nhân dân trong xã.
Thời
gian qua, do tình hình bão, lũ diễn ra phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho các
tỉnh phía bắc nói chung, trong đó có huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cũng bị thiệt
hại khá nặng nề bởi bão, lũ, do vậy năm nay huyện và xã Yết Kiêu quyết định
không tổ chức khai hội lễ hội truyền thống đền Quát mùa thu năm 2024, thay vào
đó chỉ có các hoạt động như: tổ chức
dâng hương, dâng hoa, tri ân tưởng nhớ công lao của danh tướng Yết Kiêu.
Danh
tướng Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1301). Cha ông làm nghề đánh bắt
cá, cha mất khi ông 8 tuổi. Nhà nghèo nên từ nhỏ Phạm Hữu Thế phải lăn lộn sông
nước kiếm sống. Theo những giai thoại còn lưu truyền đến ngày nay, Yết Kiêu có
thể lặn 7 ngày 7 đêm, phần nào cho thấy người dân khâm phục tài năng của vị tướng
tài ba này. Sự lạ lùng ấy ứng với bức hoành phi trong đền: "Thiên cổ dị
nhân," nghĩa là từ trước tới nay mới có người lạ thường như vậy. Trong cuộc
kháng chiến chống quân Nguyên Mông, danh tướng Yết Kiêu đã lập nhiều công lớn
được vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân. Ông đã được nhân
dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu, tên một loài cá lớn ngày xưa. Yết
Kiêu là một trong những danh tướng lẫy lừng bậc nhất xuyên suốt lịch sử dân tộc,
ông trở thành biểu tượng của thủy quân nước ta và là niềm tự hào lớn lao của
quê hương. Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông tại thôn Hạ Bì, xã Yết
Kiêu, huyện Gia Lộc, gọi là đền Quát.
Hàng
năm để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân đã tổ chức lễ hội đền Quát
vào mùa Xuân từ 14-16 tháng Giêng và lễ hội mùa Thu từ 14-16 tháng 8 âm lịch. Lễ
hội đền Quát mang đậm sắc thái văn hóa và truyền thống của dân tộc đang trở
thành điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn của du khách thập phương. Đây cũng là dịp
để giáo dục các thế hệ trẻ về truyền thống dựng nước và giữ nước bất khuất của
cha ông ta từ nhiều đời nay./.