Ngày 18/2, tức ngày 14 tháng giêng năm Kỷ Hợi, xã Yết Kiêu tổ chức trang trọng Lễ dâng hương và khai hội Đền Quát mùa xuân Kỷ Hợi- 2019; Theo chương trình của Ban Tổ chức Lễ hội Đền Quát mùa xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 17/2 đến ngày 20/2, tức từ ngày 13 tháng giêng đến hết ngày 16 tháng giêng năm Kỷ Hợi.
Tới dự Lễ dâng hương và khai hội Đền Quát có đồng chí có đ/c Nguyễn Khắc Toản-TUV, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Đặng Xuân Thưởng- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và các đ/c trong Ban Thường vụ Huyện uỷ; Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND huyện; đại diện lãnh đạo phòng ban ngành đoàn thể huyện; cấp uỷ chính quyền xã Yết Kiêu; Chi uỷ và cán bộ thôn Hạ Bì; đại diện lãnh đạo các xã ; thị trấn trong huyện; về dự lễ dâng hương còn có đại diện những người con quê hương làng Hạ Bì xã Yết Kiêu đang sinh sống, công tác và học tập trên mọi miền của Tổ quốc; đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã về dự lễ dâng hương; dâng hoa và khai hội lễ hội Đền Quát mùa xuân năm 2019.
Sau màn biểu diễn văn nghệ, đại biểu cùng nhân dân và du khách thập phương được nghe lịch sử hình thành ngôi đền cũng như tiểu sử thân thế, sự nghiệp của danh tướng Yết Kiêu, người được ví như cánh chim hồng hộc của Hưng Đạo Đại Vương.
Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Bùi Công Tuấn Chủ tịch UBND xã Yết Kiêu nhấn mạnh lễ hội đền Quát nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của danh tướng Yết Kiêu và các bậc tiền nhân đối với sự nghiệp giữ nước, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đồng thời, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
Danh tướng Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh năm Nhâm Dần (1242) trong một gia đình ngư dân nghèo ở vùng sông nước thuộc ấp Hạ Bì, huyện Trường Tân, Lộ Hồng (nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Phụ thân ông là cụ Phạm Hữu Hiệu, người làng Hạ Bì. Mẫu thân ông là bà Vũ Thị Duyên, người huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Tài năng Hữu Thế ngày một nổi tiếng, được Hưng Đạo đại vương trọng dụng và đặt tên là Yết Kiêu. Với tinh thần “Sát Thát”, “Bình Nguyên” cùng tài bơi lội “nhập thủy như phúc bình địa hỹ”, Yết Kiêu đã trở thành huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, là một trong những người có công lớn đối với sự nghiệp chống quân Nguyên – Mông. Ông được vua Trần phong tặng: “Trần triều Hữu tướng Đệ nhất bộ, đô soái thủy quân, Tước hầu” và đại tướng quân triều Trần – Yết Kiêu Đại Vương dũng lược, uy hùng, nhiều lần phò giúp vua dẹp loạn, trừ hiểm nguy, từng được các triều đại ban tặng nhiều sắc phong. Khi ông mất, vua Trần cho lập Đền thờ ở quê ông bên bờ sông thôn Hạ Bì; người dân địa phương tôn kính thờ ông là Thành hoàng làng với niềm tin sâu sắc rằng, ông sẽ phù hộ cho quốc thái dân an, cho mưa thuận gió hòa, bảo vệ chở che và mang lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong đền có nhiều hiện vật cổ, quý như tượng Đức thánh Yết Kiêu, tượng chín nàng hầu, mõ cá, mõ cáo, ngoài ra còn nhiều cổ vật, hiện vật khác có giá trị gắn với những câu chuyện truyền thuyết dân gian ly kỳ và linh thiêng.
Bên cạnh các nghi lễ long trọng và linh thiêng, thì phần hội năm nay có nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn như: Giải bóng chuyền xã Yết Kiêu năm 2019, Chọi gà; Bịt mắt bắt vịt; bắt chạch trong chum và nhiều hoạt động văn hóa truyền thống khác.
(Hoàng Cảnh- Đài Truyền thanh huyện)