Thời gian qua, công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn huyện đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các nội dung và đã từng bước đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy hành chính, hỗ trợ tích cực vào việc thúc đẩy quá trình cải cách. So sánh về mức độ hoàn thành các nhiệm vụ so với chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: Tỷ lệ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử năm 2023 đạt trên 94% so với tổng số hồ sơ tiếp nhận. Tổ chức triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các Bộ phận Một cửa đạt trên 97%; hơn 98% số hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng. TTHC được niêm yết công khai, minh bạch về quy trình, lệ phí, 100% số hồ sơ TTHC có phát sinh phí, lệ phí được thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện chuyển toàn bộ số tiền đã thu trong kỳ vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách hàng tháng theo quy định.
Nhìn chung, huyện đã có các biện pháp thiết thực trong nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và đạt được nhiều kết quả trong các mặt bao gồm: Về gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại Bộ phận Một cửa; Về đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Về nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động củaBộ phận Một cửa; Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới
Công tác tuyên truyền về thực hiện cải cách hành chính được tiếp tục triển khai sâu rộng, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực đã tạo được lòng tin từ nhân dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cải cách hành chính đang được nâng lên góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn phụ thuộc vào việc kết nối, tích hợp của Bộ, ngành nên việc triển khai tại đơn vị còn thiếu đồng bộ, kịp thời. Việc hỗ trợ công dân nộp hồ sơ trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ dân trí, khả năng, điều kiện tiếp cận CNTT của đại bộ phận người dân trên địa bàn còn hạn chế. Hệ thống máy móc thiết bị chưa thực sự hiện đại, hệ thống đường truyền đôi khi chưa ổn định làm ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công việc. Một số người dân tuổi cao chưa quen tiếp cận các thiết bị thông tin nên gặp khó khăn trong các thao tác trên máy tính, điện thoại.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, địa phương cần tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị và đời sống nhân dân. Thường xuyên khảo sát, lấy ý kiến người dân về giải quyết thủ tục hành chính để nắm được hạn chế, tồn tại của cơ quan, từ đó có các biện pháp xử lý phù hợp. Đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, tích cực hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị thông minh, các phần mềm hiện đại như ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt,…
Thực hiện: Thanh Hoa