Đăng nhập

Cổng thông tin điện tử Huyện Gia Lộc

23/4/2023  |  English  |  中文

 Quy vùng sản xuất rau tập trung và chuyên canh ở Gia Lộc

Đến hết năm 2015, toàn huyện đã có 12 xã tổ chức quy hoạch được 26 vùng sản xuất chuyên canh rau màu, với tổng diện tích là 511,35 ha và 69 vùng sản xuất tập trung với diện tích 1.638,7 ha.

         Gia Lộc là huyện có truyền thống sản xuất nông nghiệp, nông dân Gia Lộc giàu kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhanh nhạy nắm bắt thị trường, không ngừng đổi mới giống rau màu, các cây trồng có giá trị kinh tế cao, đòi hỏi kỹ thuật cao như: cần tây, tỏi tây, dưa lê chất lượng cao, các giống su hào, bắp cải chịu nóng hoặc chịu lạnh được nông dân đưa vào sản xuất.

          Việc quy vùng sản xuất theo đề án số 01-ĐA/HU Đề án 01 của BCH Đảng bộ huyện khóa XXIV về việc "Mở rộng và nâng cao hiệu quả vùng chuyên canh rau quả tập trung, vùng lúa chất l­ượng giai đoạn 2011- 2015" đã mang lại nhiều lợi ích trong sản xuất. Nhất là những địa phương đã thực hiện xong dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng là điều kiện thuận lợi cho công tác quy vùng sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân, đặc biệt là trong sản xuất rau màu. Đến hết năm 2015, toàn huyện đã có 12 xã tổ chức quy hoạch được 26 vùng sản xuất chuyên canh rau màu, với tổng diện tích là 511,35 ha và 69 vùng sản xuất tập trung với diện tích 1.638,7 ha.

 
Cánh đồng chuyên canh rau màu xã Phạm Trấn

         Quy vùng sản xuất chuyên canh rau màu, sản xuất rau màu tập trung đã tạo ra nhiều lợi thế cho Gia Lộc phát triển ngành trồng trọt nói riêng và phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn nói chung.

          Hàng năm Gia Lộc sản xuất rau màu trên 100.000 tấn sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy dịch vụ đầu vào cho sản xuất như: cung ứng các loại vật tư nông nghiệp về hạt giống, phân bón, dịch vụ làm đất bằng máy lên luống, vạch hàng, gieo cây con giống trong khay nhựa, hộ chuyên sản xuất cây giống. Các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổ chức và điều hành khâu dịch vụ thủy nông thuận lợi, tiết kiệm được chi phí, một số hợp tác xã liên kết được với các công ty cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm như: HTX rau màu Tân Minh Đức xã Phạm Trấn, HTXDVNN Đoàn Thượng, Đồng Quang, Quang Minh, Gia Khánh v.v… ví dụ: HTX rau quả Tâm Minh Đức hàng năm cung ứng cho nông dân hằng trăm tấn phân bón trả chậm, các loại thuốc BVTV, hạt giống dưa, rau các loại... tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm rau an toàn của địa phương... Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Gia Khánh hàng năm sản xuất hàng nghìn tấn ngô ngọt, Ngô giống cho các công ty; HTXDVNN Quang Minh, Đồng Quang cung ứng bí xanh, bí đỏ hàng tạ hạt giống.

          Hệ thống tiêu thụ nông sản phát triển: số cơ sở thu mua rau củ quả tăng, các địa phương đều có các điểm thu mua, cách thức thu mua phong phú: thu mua rau màu non, thu mua tại ruộng, tại điểm tập kết rau màu v.v… sản phẩm rau màu của Gia Lộc tiêu thụ rộng khắp từ Bắc-Trung-Nam. Ở các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây rau màu, các hộ nông dân không phải lo khâu tiêu thụ dù giá cả tăng lên hay giảm xuống, người trồng rau bán được giá cao hơn so với ở nơi sản xuất rau màu phân tán, manh mún.

          Các hộ nông dân có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ được nông dân tiếp thu, ứng dụng nhanh vào sản xuất. Số buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo, xây dựng các mô hình trình diễn được thực hiện nhiều. Ở vùng chuyên canh rau màu hệ số sử dụng ruộng đất là 4 – 5 lần, ở vùng sản xuất tập trung, hệ số sử dụng ruộng đất là 3 – 4 lần (1 vụ lúa với 2 – 3 vụ rau) nên đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhất là đối tượng lao động trung tuổi trở lên, không có điều kiện làm việc ở các công ty, trung bình 1 lao động sản xuất 4 sào rau chuyên canh.

          Việc bố trí thời vụ để tranh chấp thị trường, dễ tiêu thụ và có giá bán cao, nâng cao thu nhập cũng được người dân chú trọng. Nông dân ở một số nơi sản xuất các loại rau trái vụ như: cần tây, tỏi tây ở thôn Lúa xã Đoàn Thượng, su hào ở Phạm Trấn, Đoàn Thượng, bắp cải vụ thu ở Gia Xuyên, Gia Tân, Hoàng Diệu v.v… Diện tích trồng rau che phủ nilon chống mưa, chống rét ngày càng tăng.

 
Khu chuyên canh rau màu xã Gia Khánh 

         Quy vùng sản xuất rau màu chuyên canh, tập trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, rõ rệt, giá trị sản xuất 1 ha đất canh tác vùng chuyên canh đạt 490 – 630 triệu đồng/năm, vùng tập trung đạt 200 – 350 triệu đồng/năm. Nhiều hộ có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng trở lên như hộ ông: Lê Thạc Tờ xã Đoàn Thượng, Ông Phùng Danh Út, Phùng Danh Leo xã Phạm Trấn... thu từ 300- 700 triệu đồng/năm.

          Thu nhập của nông dân cao nên có điều kiện xây dựng nhà ở, tiện nghi sinh hoạt và đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn như: giao thông, thủy lợi v.v… bộ mặt nông thôn đổi mới qua từng năm tháng.

          Sản xuất rau quả chuyên canh, sản xuất tập trung là tiền đề nâng cao hiệu quả sản xuất rau, thực hiện sự liên kết 4 nhà: nhà nước – nhà khoa học – nhà nông – doanh nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu của sự phát triển nông nghiệp bền vững, của sự liên kết chuỗi sản xuất đến tiêu dùng.

          Quy vùng sản xuất rau tập trung, diện tích lớn góp phần thắng lợi trong việc xây dựng nông thôn mới, đưa nông thôn tiến gần đến thành thị.

                                                                                                Phòng NN&PTNT huyện