Huyện Gia Lộc là một huyện thuần nông với nhiều cánh đồng trồng lúa và hoa màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Nhật Tân là một trong những xã của huyện có truyền thống về cấy lúa và thâm canh rau màu. Những năm gần đây, tình trạng chuột phá hoại mùa màng dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, nhiều cánh đồng, mảnh ruộng bị bỏ hoang. Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2018, đến nay tổ dịch vụ đánh bắt chuột kiêm thủy nông thôn Thị Đức xã Nhật Tân hoạt động thường xuyên và phát huy tốt hiệu quả mô hình của mình.
Xuất phát từ nạn chuột phá hoại mùa màng và hệ thống tưới tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả, được sự nhất trí của cấp ủy chính quyền địa phương và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong thôn, tháng 1 năm 2018 mô hình dịch vụ đánh bắt chuột chính thức được thành lập với 5 thành viên, trong đó có một tổ trưởng, một tổ phó và 3 thành viên. Từ khi được thành lập cho đến nay tổ dịch vụ đã bắt được khoảng trên 3 nghìn con chuột bằng các biện pháp thủ công, bẫy bả, cạm…. đặc biệt trong ngày đầu tiên ra quân tổ dịch vụ và nhân dân trong thôn Thị Đức đá đánh bắt được hơn 1 nghìn con chuột trong dịp lấy nước đổ ải, đến nay tổ dịch vụ đã đầu tư trên 17 triệu đồng để mua thuốc bả chuột, cuốc, thuổng và dụng cụ phục vụ cho việc đánh bắt chuột. Mô hình này không phải là mới trong huyện nhưng để duy trì và phát huy hiệu quả như ở Thôn Thị Đức là không nhiều đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của các thành viên trong tổ và đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng, động viên của nhân dân dành cho tổ dịch vụ.
Trước đây khi còn là mô hình HTX DV Nông nghiệp thì việc đánh bắt chuột và đưa nước tưới tiêu vào sản xuất nông nghiệp hoạt động gặp nhiều khó khăn và không hiệu quả, từ khi mô hình tổ dịch vụ đánh bắt chuột kiêm thủy nông trong thôn được thành lập đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Số lượng chuột phá hoại giảm tới 95 % và phục vụ nước tưới tiêu được 98%, đầy đủ kịp thời cho bà con nông dân. Thôn Thị Đức xã Nhật Tân có 170 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là cấy lúa và xen canh các loại cây rau màu như ngô, dưa lê, dưa hấu, khoai, bầu, bí…. Với phương thức hoạt động tổ dịch vụ đánh bắt chuột hợp đồng với bà con nhân dân và đại diện lãnh đạo địa phương đứng ra cam kết với chi phí lúa là 50 nghìn đồng/1 sào, rau màu là 25 nghìn đồng/1 sào. Cam kết với người dân nếu chuột làm thiệt hại 5 mét vuông lúa trở lên thì tổ dịch vụ sẽ đền bù 2 nghìn đồng/1 mét vuông cho người dân. Bằng trách nhiệm, tâm huyết và sự nhiệt tình các thành viên trong tổ từ khi thành lập đến nay ngày nào cũng hoạt động việc đánh bắt chuột, buổi tối có hôm đến 11h đêm.
Với lĩnh vực thủy nông tổ dịch vụ đứng ra đăng ký với xí nghiệp KTCTTL huyện Gia Lộc đảm bảo công tác tưới tiêu cho hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn Thôn. Từ chỗ người dân phải đi tát nước, bơm nước từ mương dẫn vào ruộng đến nay đã đảm bảo nước tưới tiêu đến 98% vào các ruộng. Các khu đồng cao trước đây khó cho việc lấy nước vào ruộng thì giờ đây cũng được đảm bảo. Cái mới của tổ dịch vụ diệt chuột Thôn Thị Đức mà các địa phương khác trong huyện chưa làm được đó là đến nay mọi chi phí đáp ứng cho việc hoạt động của tổ là tự các thành viên trong tổ bỏ vốn, công sức ra để làm và đến nay chưa nhận được mức thu nhập nào. Đó chính là sự nỗ lực, tâm huyết và trách nhiệm cao của các thành viên trong tổ ở đây.
Qua 4 tháng đi vào hoạt động, trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả tưởng chừng không đi đến thành công nhưng với sự cố gắng của mình tổ diệt chuột đã nhận được lòng tin, ủng hộ của nhân dân thì việc đánh bắt chuột và công tác thủy nông đã dần đi vào ổn định và phát huy hiệu quả tích cực. Để duy trì ổn định cuộc sống cho các thành viên trong tổ. Trong thời gian tới ngoài những dịch vụ trên thì tổ tiếp tục mở rộng thêm một số dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu cho bàn con nhân dân trong thôn. Trong mùa vụ này các thành viên trong tổ đã mạnh dạn đầu tư mua máy gặt, máy cày với tổng số kinh phí trên 700 triệu đồng với giá dịch vụ ngang bằng với giá thị trường.
Với cách làm đem lại hiểu quả cao như vậy đã một phần đáp ứng tâm tư, nguyện vọng và sự mong mỏi của bà con nông dân thôn Thị Đức. Người dân nơi đây hiện nay rất vui mừng, phấn khởi vì vụ mùa này không còn chuột phá hoại mùa màng, những cánh đồng lúa xanh mướt, trĩu quả chắc chắn vụ mùa này bà con sẽ bội thu. Để mô hình này hoạt động có nề nếp và hiệu quả cao hơn cần có sự chung tay góp sức của cấp ủy chính quyền địa phương, quan tâm giúp đỡ ủng hộ của nhân dân và tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên trong tổ. Đây là mô hình hay trong thời gian tới các địa phương khác trong huyện cần học tập, trao đổi để nhân rộng ra trong toàn huyện./.
Thực hiện: Minh Quang, Quang Tiệp