Trong giai đoạn phát triển như hiện nay, nhất là trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng việc đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý dân cư và đảm bảo cuộc sống cho người dân.Thời gian gần đây dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD) chính là chủ trương lớn nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng.
Lợi ích của thẻ căn cước công dân gắn chíp
Tuy nhiên trước và sau khi chủ trương này được phê duyệt, một số đối tượng đã sử dụng Facebook, Youtube, Zalo các diễn đàn mạng xã hội để công kích, xuyên tạc nhằm phá hoại chính sách mới của Nhà nước. Lợi dụng mạng xã hội , một số đối tượng đã đăng tải, chia sẻ các bài viết với nội dung việc gắn chíp thẻ CCCD giống như việc gắn chíp điện tử cho chính người mang thẻ, chỉ cần tra định vị là biết chi tiết các hoạt động của công dân. Một số đối tượng khác thì cho rằng, gắn chip điện tử vào CCCD là vi phạm nhân quyền, xâm phạm sự riêng tư của cá nhân…Từ đó kêu gọi mọi người phản đối việc thực hiện gắn chíp trên thẻ căn cước. Với những suy đoán vô căn cứ, số đối tượng chống phá đưa ra các thông tin sai sự thật, đại ý như: “Việc gắn chíp thẻ CCCD khác nào gắn chíp điện tử cho chính người mang thẻ. Muốn biết người này đi đâu, vào lúc nào, cùng với ai, chỉ cần ngồi tra định vị là biết ngay chi tiết”; “Gắn chíp thẻ CCCD giống như gắn chíp trên động vật để tiện chăn dắt”; “Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp là vi phạm đời tư cá nhân”. Có đối tượng còn cho rằng chủ trương gắn chíp điện tử vào thẻ CCCD là bắt chước cách làm của một quốc gia láng giềng nhằm quản lý, theo dõi công dân và chỉ có một vài quốc gia “kém dân chủ” mới sử dụng. Thậm chí, các đối tượng còn ngụy tạo rằng “vì chỉ tiêu thiếu tính thực tế mà chính quyền ép dân làm căn cước công dân gắn chíp điện tử, làm lây lan dịch bệnh COVID-19 nhưng vẫn bao biện chối trách nhiệm".
Trên thực tế, với việc ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, thẻ CCCD gắn chíp điện tử của Việt Nam ra đời không những giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức quản lý con người từ thủ công sang hiện đại, mà còn đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố an ninh an toàn và có khả năng bảo mật thông tin ở mức độ rất cao. Việc gắn chíp điện tử thay vì mã vạch vào thẻ CCCD là áp dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật vào thực tế đời sống xã hội. CCCD điện tử đã áp dụng trên thế giới từ thập niên 90 và đến nay đã có khoảng 70 quốc gia sử dụng. Trước đây nước ta chưa triển khai bởi chưa có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật thông tin, kinh phí và nhu cầu của xã hội đối với chíp điện tử chưa phổ biến. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, sự quyết liệt trong xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt các doanh nghiệp trong nước đã làm chủ được công nghệ với giá thành rẻ nên triển khai lúc này là thời điểm thích hợp. Không chỉ thẻ CCCD mà nhiều loại thẻ điện tử khác đều đã và đang được các ngành đưa vào sử dụng thay thế cho thẻ giấy, thẻ nhựa truyền thống. Điển hình là việc các ngân hàng như: VIB, VietinBank, VietcomBank, Techcombank, ACB, Sacombank… đang cấp tập triển khai chuyển đổi thẻ ATM cũ sang thẻ gắn chip theo chuẩn thẻ chip nội địa VCCS, tuân theo tiêu chuẩn quốc tế EMV để tăng cường bảo mật cho khách hàng.
Lực lượng Công an huyện Gia Lộc triển khai làm căn cước công dân gắn chip tại xã Đoàn Thượng
Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp có thể phòng ngừa các loại giấy tờ giả mạo, giảm chi phí việc công chứng nhiều loại giấy tờ truyền thống, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử. Hơn nữa, mức độ an toàn, bảo mật của chíp rất cao và việc đối sánh sinh trắc học có thể thực hiện ngay trên chíp nên thông tin định danh của công dân được lưu trên thẻ là không thể thay đổi, hạn chế tối đa giả mạo. Mặt khác, chíp điện tử được sử dụng gắn trên thẻ CCCD không có khả năng định vị, thông tin lưu trữ trên chíp cần phải có công cụ chuyên dụng để đọc và thông tin mới được mã hóa.Việc áp dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử mang lại nhiều tiện tích cho người dân khi thực hiện các giao dịch, chỉ cần dùng thẻ CCCD mà không phải mang nhiều loại giấy tờ tới các cơ quan hành chính như trước đây. Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần,… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân. Trong đó, chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay) cho phép xác thực đảm bảo chính xác con người; thực hiện ký số. Vì vậy thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật nhất là trong các giao dịch tài chính. Chíp điện tử gắn vào thẻ CCCD không theo dõi được công dân vì không có chức năng định vị. Hơn nữa, nước ta có hệ thống pháp luật đảm bảo các quyền cơ bản của công dân nên nếu làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Dữ liệu là tài nguyên, nhưng khác với tài nguyên truyền thống, tài nguyên dữ liệu càng được khai thác nhiều thì không bị mất đi, mà ngược lại càng tạo nên giá trị gia tăng”. Hiện, Bộ Công an đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ CCCD gắn chíp điện tử để phục vụ hiệu quả, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nhất là trở thành trung tâm liên kết, thống nhất toàn bộ dữ liệu quốc gia, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Đặc biệt, với tình hình chống dịch COVID-19 cấp bách, thẻ CCCD gắn chíp điện tử đã được tích hợp nhiều tiện ích quan trọng góp phần đảm bảo an ninh trên nhiều mặt an ninh sức khỏe, an ninh kinh tế, an ninh cá nhân và an ninh cộng đồng; tích hợp thông tin thẻ xanh tiêm chủng; giấy đi đường; xét nghiệm; thông tin về hưởng chế độ, chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ… Với những tiện tích của thẻ CCCD gắn chíp trong công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, chúng ta cần có cái nhìn khách quan, đúng đắn và tin tưởng vào chủ trương của Nhà nước, từ đó đấu tranh phản bác lối suy diễn xuyên tạc, thiếu cơ sở khoa học của những kẻ phá hoại.
Lực lượng Công an huyện Gia Lộc triển khai làm căn cước công dân gắn chip tại xã Gia Khánh
Từ đầu năm 2021 đến nay, với tinh thần khẩn trương, cấp bách, lực lượng Công an cả nước đã ngày, đêm phấn đấu đạt được mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Không những thế, trong thời điểm vô cùng khó khăn do chịu ảnh hưởng của các làn sóng dịch COVID-19 bùng phát, lực lượng Công an không quản ngại khó khăn, gian khổ, cùng với nhiều cách làm hay, sáng tạo, sâu sát, quyết liệt, an toàn, hiệu quả và sự đồng thuận, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân đã góp phần tạo nên sự thành công bước đầu của Dự án. Dự án sản xuất, cấp và quản lý thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử không chỉ là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, mà còn là danh dự của lực lượng Công an nhân dân, vì thực hiện mục tiêu cao nhất là bảo đảm cuộc sống bình yên, an toàn, hạnh phúc cho người dân.
Hiện nay, lực lượng Công an huyện Gia Lộc đang triển khai việc làm và cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân tại Bộ phận “một cửa” tại trụ sở làm việc UBND huyện vào các ngày trong tuần để phục vụ người dân.
Quang Thắng- Công an huyện