ĐẢNG BỘ TỈNH HẢI DƯƠNG HUYỆN UỶ GIA LỘC * Số 07 - KH/HU | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Gia Lộc, ngày 25 tháng 01 năm 2021 |
KẾ HOẠCH
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với tăng cường thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, thị trấn giai đoạn 2021 - 2025
-----
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình hành động số 03-CTr/HU, ngày 05/10/2020 của Huyện uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng Kế hoạch "Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với tăng cường thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, thị trấn giai đoạn 2021 - 2025", như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Thông báo Kết luận số 160-TB/TW ngày 15/01/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng cụ thể, rõ việc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
2. Yêu cầu
Việc triển khai thực hiện phải đảm bảo nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả gắn với thực tiễn ở từng địa phương, cơ sở.
II. NỘI DUNG
1. Mục tiêu chung
Nâng cao chất lượng, hiệu quả đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội gắn với tăng cường thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, thị trấn; củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua trong nhân dân, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
2. Mục tiêu cụ thể
Thu hút được 80% trở lên người dân tham gia vào hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia; 100% thôn, khu dân cư (KDC) có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng; trên 90% MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động vững mạnh, vững mạnh xuất sắc; trên 90% ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể hoạt động đạt mức hoàn thành khá, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
3. Nhiệm vụ, giải pháp
3.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội
- Tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện. Thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Duy trì chế độ giao ban giữa cấp ủy với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tại các chi bộ thôn, KDC, kiểm điểm những việc đã làm được, những việc chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để có định hướng kịp thời. Cấp ủy tổ chức Đảng thực hiện phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện.
- Chỉ đạo thực hiện nghiêm Quy chế 08-QC/TU ngày 03/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân tỉnh Hải Dương; tăng cường đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, giải quyết những vấn đề có liên quan đến hội viên, đoàn viên và nhân dân. Chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
- Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác Mặt trận, đoàn thể; kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu; nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến tập trung vào một số lĩnh vực như: Tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; thực hiện chương trình giảm nghèo, giảm nghèo bền vững; xây dựng đời sống văn hóa; chung tay bảo vệ môi trường ...
3.2. Tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
- MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, vận động, đổi mới cách thức nắm tình hình địa bàn và tình hình nội bộ nhân dân theo hướng gần dân, sát dân, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhân dân trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Tăng cường tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử, truyền thống của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, truyền thống của quê hương Gia Lộc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, các cuộc vận động, các phong trào thi đua...; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền và phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân với Đảng, chính quyền; đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, kịp thời định hướng dư luận xã hội.
- Tăng cường vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, mở rộng sự tham gia của các cá nhân tiêu biểu, nhân sỹ, trí thức, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trong các tôn giáo, các giai tầng trong xã hội. Tiếp tục phát huy đầy đủ vai trò đại diện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Chính quyền các cấp tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" ở thôn, KDC.
- Vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, tập trung vào các lĩnh vực mà người dân quan tâm, kiến nghị, nhất là giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp thực hiện quy định nêu gương; việc thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung cụ thể vào các lĩnh vực sau:
+ Giám sát chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên trong việc thực thi chức trách nhiệm vụ nhất là công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.
+ Phong cách, lề lối làm việc, phẩm chất đạo đức, lối sống.
+ Giám sát trách nhiệm của các đại biểu dân cử, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri.
+ Tăng cường giám sát việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nhất là những vụ việc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân chậm được giải quyết, hoặc kéo dài thời hạn giải quyết, hoặc đã giải quyết nhưng nhân dân chưa đồng tình còn có ý kiến.
+ Giám sát việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và ban công tác mặt trận; nâng cao chất lượng hoạt động của chi đoàn, chi hội thôn, khu dân cư.
+ Giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí xã hội hoá của các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện; việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư của các chủ đầu tư trên địa bàn huyện.
- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thực hiện tốt qui chế phối hợp hành động giữa MTTQ với HĐND và UBND và các tổ chức thành viên của Mặt trận tạo lên sức mạnh tổng hợp, nâng cao vị thế của hệ thống chính trị nhất là việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng quân sự địa phương; mở rộng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội từ huyện đến cơ sở thực sự là cầu nối vững chắc giữa Đảng, nhà nước với nhân dân.
- MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện phấn đấu tăng số lượng thành viên, đoàn viên, hội viên vào từng tổ chức; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đoàn viên, hội viên vào hội cao hơn năm 2020. Cụ thể: MTTQ kết nạp thêm tổ chức thành viên; Đoàn Thanh niên đạt 65% trở lên đoàn viên, thanh niên có mặt trên địa bàn tham gia tổ chức; Hội Nông dân đạt 70% trở lên, Hội Phụ nữ đạt 85% trở lên, Hội Cựu chiến binh đạt 98,5% trở lên, Liên đoàn lao động huyện đạt 90% trở lên.
- Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng cho đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động tự nguyện trên tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhân đạo, từ thiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên.
3.3. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động triển khai các phong trào, các cuộc vận động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương
- MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng yêu cầu của tình hình mới và nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở địa phương thông qua việc ký giao ước thi đua, ký kết chương trình phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với chính quyền, giữa MTTQ với các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền đảm nhận nội dung công việc gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức; chú trọng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, việc mới, việc khó...
- Thực hiện đổi mới phương thức hoạt động ở từng cấp, từng đơn vị, trong đó tập trung đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thông qua việc thành lập các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm; phát huy các mô hình tự quản để thu hút đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia.
- Đổi mới phương thức hội họp, phương thức ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong chỉ đạo, điều hành, hội họp, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, tổ hội. Khắc phục tình trạng hành chính hóa trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Tăng cường chỉ đạo điểm, phân công cán bộ dự sinh hoạt cùng với ban công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội cơ sở; nắm chắc tình hình đoàn viên, hội viên và Nhân dân, chủ động tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo chỉ đạo hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở.
- Tăng cường vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cá nhân tiêu biểu, thống nhất hành động trong phong trào thi đua yêu nước của nhân dân, phong trào thi đua của từng đoàn thể chính trị - xã hội dưới sự chỉ đạo của Đảng. Nâng cao hiệu quả “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở KDC. Ngoài ra, còn đảm nhận những phần việc riêng, cụ thể:
+ MTTQ với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
+ Đoàn Thanh niên tổ chức tốt 3 phong trào “Thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ sáng tạo, xung kích và vảo vệ Tổ quốc”; 3 chương trình hành động “Thanh niên đồng hành học tập, khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kỹ năng, nâng cao thể chất, đời sống văn hoá tinh thần cho thanh niên”.
+ Hội Nông dân với phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
+ Hội Phụ nữ với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và cuộc vận động "xây dựng gia đình năm không, ba sạch".
- Hội Cựu chiến binh: "Xây dựng lực lượng an ninh cơ sở, đảm bảo an ninh nông thôn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025".
- Liên đoàn Lao động với phong trào "Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa" và "Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo".
3.4. Tăng cường công tác phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp
- Phối hợp với các cơ quan nhà nước tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân về chính sách, pháp luật. Phối hợp kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; giải quyết kịp thời, hiệu quả những điểm nóng, phức tạp trong cộng đồng dân cư; chú trọng thực hiện “công tác dân vận chính quyền”.
- Phát huy vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các hoạt động, vai trò phối hợp của các các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên. Trong từng thời điểm xác định những công việc chung cần phối hợp thực hiện, phân công nhiệm vụ của từng đoàn thể. Định kỳ tổ chức giao ban, đánh giá xác nhận nhiệm vụ tiếp theo.
3.5. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ
- Tiếp tục rà soát sắp xếp tổ chức, bộ máy Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chú trọng lựa chọn cán bộ có uy tín, kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng.
- MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung kiện toàn về tổ chức và đội ngũ cán bộ, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, quy chế phối hợp, chương trình công tác quý, năm và nhiệm kỳ.
- Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Triển khai rộng rãi ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phục vụ công tác chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai nhiệm vụ và tổ chức các diễn đàn, các kênh tiếp thu phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân.
- Đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng coi trọng chất lượng.
- Bồi dưỡng, lựa chọn, giới thiệu những người có đủ phẩm chất, năng lực cho Đảng, hằng năm, Đoàn Thanh niên giới thiệu 100 đoàn viên ưu tú trở lên, Hội Nông dân 20 hội viên trở lên, Hội Phụ nữ 15 hội viên trở lên, Liên đoàn Lao động 30 đoàn viên trở lên.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Thường vụ Huyện uỷ tổ chức quán triệt, triển khai Kế hoạch đến các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; bí thư các TCCS đảng trực thuộc Huyện uỷ. Tổ chức kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch của Huyện uỷ tại cơ sở. Định kỳ hằng năm, nghe Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả thực hiện; quý III năm 2023, tham mưu giúp Huyện uỷ tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ; quý III năm 2024, tổ chức tổng kết đánh giá kết quả việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Kế hoạch nhiệm kỳ 2020 - 2025.
2. Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch giúp Huyện uỷ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Kế hoạch đảm bảo đạt hiệu quả. Định kỳ hằng năm, báo cáo Ban Thường vụ Huyện uỷ kết quả thực hiện, báo cáo đột xuất (nếu cần).
3. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng quy chế phối hợp công tác với MTTQ và các đoàn thể; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp tài liệu, báo cáo có liên quan đến việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở.
4. Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện căn cứ vào Kế hoạch, cụ thể hóa thành nhiệm vụ hằng năm; chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức thực hiện Kế hoạch đảm bảo đạt hiệu quả. Đồng thời, sớm xây dựng quy chế phối hợp hành động với UBND cùng cấp, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung, giải pháp mà Kế hoạch đề ra (hoàn thành trong quý I năm 2021). Hằng năm, chủ động phối hợp với Trung tâm Chính trị huyện xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác Mặt trận, đoàn thể. Phối hợp chặt chẽ với HĐND huyện trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định.
5. Các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện uỷ căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch.
6. Cấp uỷ các TCCS đảng căn cứ Kế hoạch của Huyện uỷ xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung kế hoạch đến toàn thể cán bộ, đảng viên, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quý I năm 2021. Hằng năm, tiến hành sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện với Ban Thường vụ Huyện uỷ (qua Uỷ ban MTTQ huyện - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo).
7. Các đồng chí Thường vụ Huyện uỷ phụ trách khu, phó khu, Huyện uỷ viên phụ trách các xã, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch.
Nơi nhận: - Ban Thường vụ Tỉnh ủy, - Ban Dân vận, Văn phòng Tỉnh ủy, - BCH Đảng bộ huyện, - BCĐ xây dựng và thực hiện Kế hoạch, - Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, - Các TCCS đảng thuộc Huyện ủy, - Lưu VPHU. | T/M BAN CHẤP HÀNH BÍ THƯ Đặng Xuân Thưởng |